info@sepon.com.vn (+ 84) 233 3851 151

Kỳ công 'bẫy' vi sinh vật bản địa để sản xuất phân bón

Kỳ công 'bẫy' vi sinh vật bản địa để sản xuất phân bón

Đặt lợi ích môi trường lên hàng đầu, lợi nhuận doanh nghiệp xuống cuối cùng, đó là quan điểm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị.

Đặt lợi ích môi trường lên hàng đầu

Kỹ sư chế tạo máy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) Hồ Xuân Hiếu có những quan điểm rất “khác người” khi bắt tay vào tổ chức sản xuất lúa hữu cơ.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, người nghĩ khác, làm khác khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, người nghĩ khác, làm khác khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Với ông, sản xuất nông nghiệp khi người dân đã đủ ăn, ăn ngon rồi thì phải nghĩ đến ăn an toàn, an toàn cho người sản xuất, cho môi trường và cho xã hội. Vì vậy, ông đặt lợi ích và môi trường lên vị trí đầu tiên và lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ là yếu tố cuối cùng được xét đến. Khi lợi ích và môi trường được đảm bảo, lợi nhuận ắt sẽ tự tìm đến với người sản xuất và doanh nghiệp.

“Lợi ích theo quan niệm của tôi, nó bao gồm cả yếu tố kinh tế, là lợi nhuận, bởi không một doanh nghiệp nào không nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng lợi ích nó còn bao gồm cả yếu tố môi trường, xã hội và các vấn đề an sinh nữa. Khi những tiêu chí này đạt được thì lợi nhuận đối với doanh nghiệp cũng sẽ xuất hiện một cách bền vững”, ông Hiếu chia sẻ.

Từ suy nghĩ của mình, từ mục tiêu của Công ty Thương mại Quảng Trị, ông Hiếu muốn “giác ngộ” nông dân làm nông nghiệp hữu cơ.

Liên kết trồng lúa hữu cơ ở Quảng Trị tạo ra giá trị, lợi ích và lợi nhuận lớn cho nông dân và cộng đồng. Ảnh: Công Điền.

Liên kết trồng lúa hữu cơ ở Quảng Trị tạo ra giá trị, lợi ích và lợi nhuận lớn cho nông dân và cộng đồng. Ảnh: Công Điền.

Ông Hiếu bắt đầu liên kết trồng lúa an toàn, lúa VietGAP từ nhiều năm trước với diện tích hơn 200 ha/năm. Với ông, đây chỉ là bước đệm để khi hội đủ các điều kiện, sẽ chuyển sang trồng lúa hữu cơ. Và thực tế, Công ty Thương mại Quảng Trị chỉ mới cùng nông dân trồng lúa hữu cơ từ vài năm nay.

Là con người của khoa học, ông chỉ bắt tay vào sản xuất lúa hữu cơ khi đã nhiều lần thử nghiệm từ các bước đệm. Với ông, các thông số, chỉ số phải đi từ những đề tài, dự án có tính khoa học. Ông không chấp nhận cách làm cảm tính, cách đánh giá mang tính tương đối. Lý thuyết từ những chỉ số ấy sẽ được thực tiễn chứng minh.

Chính vì vậy, ngay từ khi có ý tưởng sản xuất lúa an toàn, Công ty Thương mại Quảng Trị đã thành lập một tổ khoa học kỹ thuật bao gồm các thạc sỹ, kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp.

Công ty Thương mại Quảng Trị đã hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam hằng năm trời để đơn vị này về địa phương khảo sát những vùng đất có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Kết quả phân tích cho thấy, trong số trên 20 nghìn ha sản xuất lúa của tỉnh Quảng Trị, có khoảng 5 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất lúa đảm bảo an toàn VietGAP, trong đó có 3 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ, tập trung tại một số huyện như Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh…

Chế biến thuốc BVTV sinh học từ các loại thảo dược là điều kiện bắt buộc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai. Ảnh: Võ Dũng.

Chế biến thuốc BVTV sinh học từ các loại thảo dược là điều kiện bắt buộc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này đều phải được xử lý nguồn nước, đất trước khi đi vào sản xuất. Nguồn nước trong sản xuất lúa hữu cơ phải là nước một chiều, sau khi sử dụng sẽ thải đi, không tái sử dụng.

Nhưng đó chưa phải là cái khó nhất đối với việc sản xuất lúa hữu cơ.

"Bẫy" vi sinh vật bản địa sản xuất phân bón hữu cơ

“Cây trồng không thể thiếu phân bón. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV một cách tùy tiện trong một thời gian dài đã khiến nhiều vi sinh vật có lợi trong đất bị tiêu diệt, đất bị thoái hóa. Đối với lúa hữu cơ, phải sử dụng 100% phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Công ty đã đầu tư máy cày, máy cấy, máy bón phân và máy bay phun thuốc BVTV. Tất cả đều được trang bị đầy đủ để bước vào một thử thách mới”, ông Hiếu chia sẻ.

Bẫy vi sinh vật bản địa để sản xuất phân bón hữu cơ tại Công ty Thương mại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Bẫy vi sinh vật bản địa để sản xuất phân bón hữu cơ tại Công ty Thương mại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Tổ khoa học kỹ thuật của Công ty Thương mại Quảng Trị “bẫy” sinh vật có lợi bản địa, nhân bản theo nguyên lý hoàn nguyên. Mỗi vùng sinh thái có các loại vi sinh vật bản địa có lợi khác nhau. Vì vậy cần tìm và nhân bản các vi sinh vật có lợi này phù hợp với điều kiện từng vùng để sản xuất phân bón hữu cơ, kích thích sự sinh trưởng, phát triển của chúng sao cho đạt hiệu quả nhất.

“Ví dụ, đối với lúa gạo vùng đồng bằng, mình lấy gạo ở vùng đó nấu lên, vắt cục, bỏ vào ống tre, chôn dưới vùng vùng đất đó trong 7 ngày. Nếu mở ống tre ra, cơm trắng như bông thì chúng ta đã thu được vi sinh bản địa đạt yêu cầu là những vi sinh vật có lợi. Ngược lại, nếu cơm bị đen, thối thì mẫu không có giá trị và đã bị vi sinh vật có hại ăn hết. Hay như để trồng các loại cây trồng hữu cơ ở vùng miền núi thì phải lấy vi sinh vật bản địa ở vùng miền núi lên men, sử dụng làm phân bón”, ông Hiếu vừa đem mẫu bẫy sinh vật có lợi bản địa cho chúng tôi xem, vừa phân tích.

Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng có nguồn gốc thảo dược và sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Công Điền.

Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng có nguồn gốc thảo dược và sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Công Điền.

Sau khi thu được vi sinh vật bản địa có lợi đạt yêu cầu, mẫu sẽ được bóp nhỏ, nuôi cùng với mật mía, cám gạo để lên men (IM03). Dung dịch này sẽ được phun lên các giá thể (trấu) trước khi cung cấp cho các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn, sau đó thu về sản xuất phân bón hữu cơ. Cũng có thể phun dung dịch này trực tiếp lên phân phân trâu bò, cấp oxi, đảo trộn liên tục, đủ thời gian lên men sẽ đưa vào sản xuất phân bón. Khi các sản phẩm này đạt hàm lượng hữu cơ lớn hơn 50% (tức là đạt các chỉ số về phân hữu cơ) thì đem xay, nén viên, trả lại cho đất.

Với cách nghĩ, các làm như vậy, với đặc điểm điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Quảng Trị, Công ty Thương mại Quảng Trị đã tạo ra 2 dòng men, một dùng cho vùng đồng bằng, một dùng cho vùng miền núi.

Công đoạn sản xuất phân bón hữu cơ cũng hết sức quan trọng. Sản xuất phân hữu cơ cho lúa là khó nhất. Khi sản xuất được phân bón rồi, Công ty Thương mại Quảng Trị đem ra thử ở các chân ruộng thì… nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Vì vậy, Công ty phải đặt hàng máy nén viên. Lần này, phân bón xuống ruộng đã chìm nhưng lại... không tan!

Cá các loại sử dụng trong quá trình ủ phân, lên men vi sinh. Ảnh: Công Điền.

Cá các loại sử dụng trong quá trình ủ phân, lên men vi sinh. Ảnh: Công Điền.

Mày mò đến cuối năm 2021, Công ty nghĩ đến việc sử dụng phân bò trong quá trình vo viên. Bò ăn cỏ nên có hàm lượng cenlulose cao, khi gặp nước sẽ bung nở. Điều này sẽ giúp phân hữu cơ hòa tan trong nước. Hàm lượng phân bò được sử dụng trong phân bón hữu cơ dành cho lúa của Công ty chiếm khoảng 20 - 30%.

Đến nay, nhà máy phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị đã sản xuất được khoảng 1 nghìn tấn phân/năm, cung cấp cho hệ thống các chuỗi lúa an toàn, lúa VietGAP và lúa hữu cơ do Công ty đầu tư sản xuất.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Giám đốc Công ty Thương Mại Quảng Trị cho biết thêm, lượng phân bón do Công ty sản xuất ra hiện chưa đáp ứng được cho nhu cầu thị trường và chỉ đang sử dụng cho các hộ dân, HTX trong chuỗi sản xuất do Công ty hợp tác.

Võ Dũng - Công Điền
https://nongsanviet.nongnghiep.vn/ky-cong-bay-vi-sinh-vat-ban-dia-de-san-xuat-phan-bon-d326690.html