Từ ngày 1-3/7/2015, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có chuyến khảo sát vùng SX Hồ tiêu tại Quảng Trị. Tham gia đoàn khảo sát có các đơn vị thành viên Hiệp hội và Văn Phòng VPA.
Từ ngày 1-3/7/2015, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có chuyến khảo sát vùng SX Hồ tiêu tại Quảng Trị. Tham gia đoàn khảo sát có các đơn vị thành viên Hiệp hội và Văn Phòng VPA.
Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị để nắm tình hình chung về sản xuất tiêu của Tỉnh và đi thăm quan 3 huyện có diện tích trồng tiêu chiếm 86% diện tích toàn Tỉnh là Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh.
Năng suất vụ Hồ tiêu 2015 tại Quảng Trị trung bình tăng 30-40% so với năm 2014
1. Tình hình sản xuất
Khảo sát vùng tiêu Cùa nổi tiếng gồm 2 xã Cam Chính (có diện tích 135 ha) và Cam Nghĩa (diện tích 110 ha) đang cho kinh doanh thuộc huyện Cam Lộ, năng suất bình quân của các xã đạt 1,1 – 1,2 tấn/ha, tăng 30 – 40 % so với năm trước (vụ thu hoạch 2014 chỉ đạt 0,8 tấn/ha). Giống tiêu chủ yếu tại đây là tiêu Vĩnh Linh lá nhỏ. Phần lớn các vườn tiêu đều cao tuổi, 10 – 15 năm. Tình trạng chung năm trước (2014) đều mất mùa do ảnh hưởng của các cơn bão số 8, 10 và 11 cuối năm 2013. Nhưng vụ thu hoạch tiêu năm nay (2015) thắng lớn, sản lượng đều tăng gần gấp đôi do cuối năm 2014 vườn tiêu không gặp bão thời kỳ ra hoa, kết trái.
Tại Vĩnh Linh và Gio Linh, các hộ nông dân cũng đều có diện tích vườn tiêu không lớn, chỉ từ 5 – 8 sào, trồng chủ yếu trong đất vườn quanh nhà. Năm 2015 nông dân trồng tiêu ở đây phấn khởi vì vừa được mùa được giá, sản lượng cho thu hoạch đều tăng từ 40 – 50 % so với năm 2014. Các hộ khảo sát đều đang có kế hoạch trồng mới bằng cách phá bỏ những vườn cao su kém hiệu quả. Tuy nhiên diện tích tăng thêm rất có hạn bởi khí hậu và thổ nhưỡng vùng Quảng Trị rất khắc nghiệt. Mùa khô tháng 5 – tháng 7 là mùa gió Lào, đất khô hạn lại là lúc cây tiêu cần nhiều nước để sinh trưởng, vươn lộc sau khi thu hoạch. Tới thời kỳ ra hoa, đậu trái tháng 10 – 11 lại thường trùng với thời kỳ Quảng Trị gặp mưa bão thường xuyên. Do vậy, cây hồ tiêu Quảng Trị khó có thể tăng nhiều về diện tích và nếu có thì năng suất cũng chỉ ở mức 1,3 – 1,6 tấn/ha, chưa kể việc đầu tư cho 1ha trồng mới rất cao (khoảng 200 – 250 triệu đồng /ha), nếu muốn đầu tư công nghệ tưới để năng suất cao hơn và ổn định hơn thì mức đầu tư còn có thể tới 300 triệu/ha, điều này khiến nhiều hộ nông dân dù muốn cũng khó có thể tăng diện tích trong thời gian tới.
Sản xuất Hồ tiêu của một số hộ nông dân tại Quảng Trị vụ 2015
Hiện nay Quảng Trị đang có dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững” do tổ chức Roots of Peace-ROP (Hoa Kỳ) tài trợ về phát triển Hồ Tiêu, 52 hộ nông dân tại 2 huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ đã được hỗ trợ của dự án về kỹ thuật canh tác bền vững và hỗ trợ một phần chi phí giống ban đầu.
Cùng với các cơ quan quản lý của Sở NN&PTNT và UBND các huyện, xã, Dự án đã thiết lập được hệ thống tổ chức hỗ trợ thực hiện đồng bộ từ huyện xuống xã và thôn. Mô hình này đang cho kết quả rất tốt, nhiều nông dân tham gia dự án đã có thu nhập cao hơn từ sản xuất tiêu.
2. Đặc điểm thị trường tiêu thụ tiêu Quảng Trị
Cũng như nhiều vùng trồng tiêu khác, tiêu Quảng Trị nằm ở các hộ nhỏ lẻ nên phụ thuộc lớn vào hệ thống thương lái thu mua. Thương lái len lỏi tới từng vườn tiêu để giao dịch, thu gom. Khi đã có số lượng đủ lớn, các thương lái này bán cho các đại lý.Tại các huyện có trồng tiêu thường có một số đại lý thu mua, mỗi đại lý thu mua bình quân 5 tạ mỗi ngày, đạt khoảng 150 – 200 tấn/năm, bán cho các công ty kinh doanh, xuất khẩu tiêu trên cả nước. Thông thường, trước mùng 5/5 âm lịch hàng năm, tiêu Quảng Trị ngoài bán cho DN trong nước còn bán cho một số doanh nhân Trung Quốc. Sau mùng 5/5 bán chủ yếu cho DN phía Nam. Khi có đơn đặt hàng nếu mua tại địa phương không đủ, đại lý có thể lấy tiêu từ Gia Lai, TPHCM để cung cấp cho các đơn đặt hàng phía Bắc.
Kiểu cách mua bán cũng rất đơn giản, chủ yếu dựa trên chữ tín. Hàng ngày bên mua gọi điện thoại đặt hàng và thoả thuận thống nhất giá, dung trọng, độ sạch v.v. đại lý đóng hàng thành những bao 85kg, ghi địa chỉ nợi nhận và đưa lên xe đò. Sau khi nhận được hàng, phía mua chuyển tiền qua tài khoản. Cách làm này họ đã làm từ 1990, giá cả dựa trên giá thị trường do bên mua thông tin, đại lý trên cơ sở đó thông báo giá mua của các nông dân và thương lái thu gom trong vùng thấp xuống khoảng 5.000 đ/kg.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đại lý, tiêu Vĩnh Linh (tên chung của tiêu Quảng Trị) thường có giá cao hơn cả nước do tiêu ở đây có dung trọng lớn lại thường khô hơn, sạch hơn. Việc mua bán cũng diễn ra quanh năm, tháng 8 – 9 là mùa cao điểm ở Quảng Trị vì lượng bán ra nhiều.
3. Đánh giá chung
– Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp&PTNT Quảng Trị, diện tích tiêu Quảng Trị là 2.274 ha, diện tích tiêu kinh doanh đạt 1.800 ha cho sản lượng 2.160 tấn, năng suất bình quân đạt 12 tạ/ha. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích tiêu Quảng Trị sẽ đạt 2.650 ha cho thấy Quảng Trị là một tỉnh có tiềm năng về sản xuất hồ tiêu. Thời gian thu hoạch tháng 6 – 7 hàng năm, muộn hơn các tỉnh trọng điểm tiêu của Việt Nam, là yếu tố giúp Quảng Trị có thêm lợi thế thị trường.
– Tiêu Quảng Trị đã nổi tiếng từ lâu với thương hiệu “Tiêu Vĩnh Linh” với đặc tính cay và nồng hơn so với tiêu ở các địa phương khác nên sẽ có giá trị cao hơn nếu xây dựng và phát triển được thương hiệu. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có quyết định số 1399 về việc đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm Hồ Tiêu Quảng Trị, qua đó có thể nâng cao hơn vị thế của cây tiêu Quảng Trị trên thị trường trong nước và quốc tế.
– Một điểm khá nổi bật trong tập quán canh tác tiêu ở Quảng trị là nông dân gần như không dùng thuốc BVTV trị sâu bệnh. Việc bón phân cũng chỉ 1 – 2 lần trong suốt vụ, đó là bón phân chuồng sau khi thu hoạch và phun xịt bằng một số chế phẩm giàu Kali để cây đậu trái. Do vậy có thể lý giải vì sao Hồ Tiêu Quảng Trị năng suất không thể cao, tuy nhiên đó lại là vùng tiêu khá sạch. Cùng với chất lượng thơm cay nổi tiếng, Hồ Tiêu Quảng Trị rất có tiềm năng xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi chất lượng cao nếu được tổ chức tốt việc xây dựng chỉ dẫn xuất xứ, địa lý, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, tạo kênh phân phối bài bản, Hồ Tiêu Quảng Trị thực sự sẽ có tiềm năng lớn đạt giá trị cao trên thị trường;
– Có tiềm năng nhưng diện tích và năng suất tiêu Quảng Trị không thể tăng mạnh do nông dân trồng tiêu ở đây không đủ nguồn lực để đầu tư cho cây tiêu, cộng thêm điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tốn nhiều công lao động và đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật canh tác là yếu tố khiến tiêu Quảng Trị không thể có sản lượng lớn. Tuy nhiên hồ tiêu nơi đây có nhiều yếu tố có thể cho giá trị cao bởi chất lượng sạch và tính bền vững trong canh tác.
Nguồn VPA