info@sepon.com.vn (+ 84) 233 3851 151

Đồng bào Vân Kiều làm giàu nhờ trồng sắn

Khoảng 10 năm lại đây, số tiền hàng trăm triệu đối với bà con Vân Kiều trồng sắn ở 7 xã vùng Lìa Hướng Hóa không còn là con số lớn. Năm nay, sắn củ tươi được thu mua với giá đạt đỉnh, từ 2.900 – 3.000 đồng/kg, nên người nông dân trồng sắn ở đây rất phấn khởi.

Khoảng 10 năm lại đây, số tiền hàng trăm triệu đối với bà con Vân Kiều trồng sắn ở 7 xã vùng Lìa Hướng Hóa không còn là con số lớn. Năm nay, sắn củ tươi được thu mua với giá đạt đỉnh, từ 2.900 – 3.000 đồng/kg, nên người nông dân trồng sắn ở đây rất phấn khởi.

Nông dân Hồ Văn Cươi, người dân tộc Vân Kiều (ở thôn Thanh 4, xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) nói rằng, trước đây để có 100 triệu đồng phải thu hoạch trên 10 xe tải sắn nhưng bây giờ chỉ 2 - 3 xe đã có chừng ấy tiền. Khoảng 10 năm lại đây, số tiền hàng trăm triệu đối với bà con Vân Kiều trồng sắn ở 7 xã vùng Lìa Hướng Hóa không còn là con số lớn. Năm nay, sắn củ tươi được thu mua với giá đạt đỉnh, từ 2.900 – 3.000 đồng/kg, nên người nông dân trồng sắn ở đây rất phấn khởi.

Chúng tôi theo chân bà con nông dân Vân Kiều thu hoạch sắn ở thôn Thanh 4, xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hoá. Quan sát thấy việc thu hoạch có 3 công đoạn chính. Đầu tiên, bà con dỡ củ sắn lên mặt đất, với 2 – 3 gốc cây chất thành một đống nhỏ gọn gàng. Cánh đồng sắn sau công đoạn này trông rặt một màu nâu của củ rất thích mắt. Sau đó, 2 hoặc 3 người một đống, dùng rựa liền tay chặt, tách những củ sắn ra khỏi gốc cây và làm theo phương thức cuốn chiếu, cứ hết đống này sang đống khác cho đến đống cuối cùng. Sau cùng, bà con sắp, đựng sắn vào các bao tải và chất lên các xe ôtô tải chờ sẵn để vận chuyển đến nhập, bán cho nhà máy tinh bột sắn cách đó không xa.

Lão nông Hồ Văn Cươi là người có thâm niên trồng sắn lâu nhất ở xã Thanh cho biết ông bén duyên với việc trồng sắn cách nay 20 năm. “Ban đầu, khi Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị vận động và hướng dẫn người dân vùng Lìa trồng sắn, gia đình mình tiên phong trồng khoảng 1ha. Đến khi thu hoạch sắn cũng là lúc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc công ty trên đặt tại xã Thuận (sát xã Thanh) đi vào hoạt động. Vụ sắn đầu tiên năm đó vừa năng suất, vừa được thu mua với giá cao, 800 đồng/kg củ tươi, nên gia đình mình lãi ròng trên 8 triệu đồng. Vào thời điểm đó, số tiền này là rất lớn đối với một hộ dân ở đây”, ông Cươi cho biết thêm.

Từ đó, được sự hỗ trợ, giúp đỡ thêm về giống cây, phân bón và kinh phí làm đất của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, không riêng gia đình ông Cươi mà hầu hết người dân trên địa bàn quyết định chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang sắn, lấy loại cây này làm cây trồng chủ lực. Bình quân mỗi hộ dân ở đây vào thời điểm đó trồng trên 3ha sắn. Cứ sau mỗi năm thu hoạch, diện tích này lại tăng dần lên. “Riêng gia đình mình đến năm 2010 đã trồng trên 10ha, trở thành thành viên Câu lạc bộ (CLB) trồng sắn 100 triệu đồng của 7 xã vùng Lìa với tổng cộng gần 100 thành viên. Hơn 10 năm nay, diện tích trồng sắn của gia đình mình đều tăng hàng năm, đến nay đã trên 30ha. Cũng nhờ đó, mình có cái để chia, hỗ trợ cho các con khi lấy vợ, lấy chồng”, ông Cươi phấn khởi chia sẻ. 

Nông dân Hồ Khăm Xêng, cùng thôn Thanh 4, cùng thành viên CLB trồng sắn 100 triệu đồng với ông Cươi, bộc bạch: “Thấy việc trồng sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình mình quyết tâm mở rộng diện tích và đầu tư sâu, quy mô về các công đoạn cải tạo đất, bón phân hữu cơ cho cây. Nhờ đó, đất không bị bạc màu, năng suất lại đạt được rất cao, bình quân 20 tấn sắn củ tươi/ha. Với giá thu mua ổn định và theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước, trong gần 20 năm nay, bình quân mỗi năm gia đình mình thu về gần 200 triệu đồng/5ha trồng sắn”.

          Việc trồng và bán sắn củ tươi đã giúp hàng chục nghìn hộ nông dân Vân Kiều ở Hướng Hóa (Quảng Trị) làm giàu.

Có thể nói, thu nhập từ cây sắn đã thực sự làm thay đổi hẳn đời sống trước đây có rất nhiều khó khăn của người Vân Kiều ở 7 xã vùng Lìa Hướng Hóa. Từ các nhà cửa tạm bợ, nay hầu hết được xây dựng kiên cố và khang trang. Từ mô hình CLB trồng sắn trăm triệu đồng là khát vọng của nhiều người, nay để có được một trăm triệu đồng ấy chỉ việc đầu tư chăm bón và thu hoạch chừng 3ha sắn. Đặc biệt, bên cạnh con cái được đầu tư, chăm lo cho việc học hành tốt hơn, nhiều gia đình còn mua sắm được ôtô, máy cày, máy kéo và xe tải để chở sắn cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa.

Theo ông Lê Hoài Vũ, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 hàng năm là thời gian cao điểm thu hoạch sắn của bà con ở 7 xã vùng Lìa Hướng Hóa. Vì vậy, thời gian này đơn vị huy động tối đa nhân lực, đảm bảo việc thu mua kịp thời cho bà con. “Thấy bà con được mùa, giá thu mua lại cao hơn mọi năm nên chúng tôi rất mừng. Lợi ích giữa công ty và người trồng sắn là lợi ích kép. Nhà máy hoạt động được tốt chỉ khi người nông dân có lãi; ngược lại, có nhà máy đặt trên địa bàn cùng với việc thu mua sắn với giá cao, ổn định thì cuộc sống của người dân nông trồng sắn ở đây mới khá lên”, ông Vũ chia sẻ.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị nói thêm về việc hỗ trợ bà con Vân Kiều ở 7 xã vùng Lìa Hướng Hóa nói riêng, người nông dân trồng sắn ở các huyện miền núi của Quảng Trị nói chung: “Chúng tôi chủ trương hỗ trợ đầu tư cho bà con trước nên việc phát triển sản xuất của bà con có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, đường sá đi lại, vận chuyển sắn bị hư hỏng đều được chúng tôi đầu tư sửa chữa. Rồi những khi bà con kẹt tiền đột xuất, chúng tôi đều sẵn sàng cho mượn mà không tính lãi. Điều khiến chúng tôi rất vui mừng, là từ 300ha trồng sắn ban đầu, đến nay ở 7 xã vùng Lìa này đã có trên 7.000ha, đồng thời đất trồng sắn luôn được cải tạo tốt nên hơn 20 năm nay chúng không bị bạc màu, năng suất thu được luôn đạt ở mức cao”.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phấn khởi cho hay, việc chuyển đổi cây trồng, đầu tư thâm canh cây sắn ở Hướng Hóa thể hiện hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gần 20 năm nay, loại cây này thực sự trở thành cây trồng chủ lực ở đó và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng huyện Hướng Hóa trong năm 2022 đã có trên 7.000ha sắn cho thu hoạch hơn 140.000 tấn sắn củ tươi với doanh thu gần 200 tỷ đồng. Với nguồn thu này đã cải thiện, nâng cao mức sống rất đáng kể của khoảng 20.000 hộ dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn.

Theo Thanh Bình - Báo Công an nhân dân

https://cand.com.vn/Kinh-te/dong-bao-van-kieu-lam-giau-nho-trong-san-i715788/?fbclid=IwAR0Gw24oB4a9HRaYy6Z1_XUTkOkyKKfFML_si3aIi25qRnTx9Ff6CtjgIO4_aem_AUA9Yk3xKE-yfgZElBM0nhH_EFfJkmPFi-6-8sGD4btO_TTG3Vzmmp8Koa2N5mXKoeY