info@sepon.com.vn (+ 84) 233 3851 151

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân HTX Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững. lúa hữu cơ, gạo hữu cơ sepon, sepon, thương mại quảng trị

Trồng lúa hữu cơ mở ra hướng canh tác bền vững cho nông

 dân Quảng Trị

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân HTX Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững.




Xuất phát từ nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị và Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp với HTX Kim Long thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô gần 18ha với giống lúa ST25.










  
Người dân tham gia được hỗ trợ các khâu trong sản xuất lúa hữu cơ như: mạ khay đạt tiêu chuẩn, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, dịch vụ cấy máy, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái, sử dụng máy gặt lúa, máy cuộn rơm, tập huấn, ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ 50% giống và vật tư.
Các chế phẩm sinh học dùng để cung cấp chất dinh dưỡng, khoáng chất cho lúa đều có nguồn gốc thực vật, động vật như: cá, các thân/lá cây non, vỏ trứng, xương động vật,... Và dùng gừng, ớt, tỏi, thuốc lá,... để tăng sức đề kháng và phòng trừ sâu bệnh cho lúa.








 

Gia đình ông Nguyễn Hữu Dõng (67 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) phấn khởi khi thu hoạch vụ lúa hữu cơ đầu tiên. Gia đình ông có 0.5ha lúa, sau khi gặt xong, lúa được bán ngay tại chân ruộng với giá 11.000 đồng/kg, giá cao gần gấp đôi so với thị trường hiện tại. 
















“Đây là điều mà gia đình không dám nghĩ đến sau một vụ mùa đầy biến động bởi thiên tai vừa qua. Trồng lúa hữu cơ, bà con không phải tiếp xúc với các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hạt lúa làm ra cũng đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên bà con ai cũng phấn khởi và sẽ tiếp tục tham gia trong mùa vụ tới”, ông Dõng chia sẻ.












  

Có 8 sào ruộng canh tác lúa hữu cơ, gia đình ông Nguyễn Quân (64 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế) là một trong những hộ đi đầu tham gia triển khai mô hình cho biết: “Thay vì trước đây bà con làm thủ công vất vả thì nay được áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại hỗ trợ từ việc gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy, dùng máy bay không người lái phun thuốc, máy gặt đi liền với máy cuộn rơm… Nhờ vậy, đã giảm bớt gánh nặng về kinh tế, giảm sức lao động cho người nông dân rất nhiều”.

Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ cũng được tận thu tránh tình trạng người dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, người dân cũng có thêm thu nhập từ việc bán rơm rạ, phát triển mô hình nuôi bò nhốt chuồng.

Phấn khởi trước những hiệu quả mà mô hình lúa hữu cơ mang lại, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) cho biết: Quá trình sản xuất lúa hữu cơ có nhiều thuận lợi nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành có liên quan và doanh nghiệp. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt lũ bất thường vào đầu tháng 4 vừa qua nên năng suất lúa chưa cao nhưng bù lại lợi ích kinh tế cao hơn gấp đôi so với canh tác lúa thông thường. Đặc biệt, với sản lượng đạt 65-70 tạ lúa/ha và được kí kết bao tiêu lúa ngay từ chân ruộng với giá cao hơn thị trường nên sau khi trừ chi phí người dân thu lãi ròng 30 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, vụ Hè Thu, HTX sẽ tiếp tục duy trì diện tích cũ đồng thời mở rộng và thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia sản xuất. Để việc triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ được hiệu quả hơn nữa, HTX mong rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm các kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng.


Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết: Đến nay, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Trong đó, môi trường đồng ruộng, hệ sinh thái phục hồi phát triển tốt, mang lại lợi ích kinh tế cao đối với người dân, gạo đạt tiêu chuẩn để xuất đi các thị trường khó tính trong và ngoài nước. Sau khi thu hoạch lúa, 10% sản phẩm sẽ để lại cho bà con sử dụng, 40% sản phẩm bán trong nước, 50% sản phẩm tập trung cho thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, với thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp đang hướng tới như châu Âu và Mỹ, hiện tại chúng tôi cũng đã mời tư vấn nước ngoài hướng dẫn trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA và EU.

Trong vụ tới, chúng tôi sẽ nâng cao hợp tác với bà con trên địa bàn toàn tỉnh để nâng cao diện tích với trên 200ha, đến năm 2025 sẽ đạt 1.000ha lúa hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh, hơn 3.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có 3.000ha lúa hữu cơ, 7.000ha lúa VietGAP.